Tại phiên họp về việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu rõ, các quy định của Hiệp định EVIPA không có quy định trái với Hiến pháp năm 2013 và cơ bản phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Phát biểu ý kiến thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, Hiệp định EVIPA, tách ra từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), đã được Hội đồng Châu Âu thông qua ngày 25/6/2019 và được đại diện các Bên ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội. Theo Điều 4.13 quy định Hiệp định EVIPA sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau ngày các Bên thông báo cho nhau về việc hoàn thành thủ tục pháp lý nội bộ của mình.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, trình tự, thủ tục đề nghị phê chuẩn Hiệp định EVIPA tuân thủ quy định tại Khoản 14 Điều 70, Khoản 6 Điều 88 Hiến pháp năm 2013; Điều 18, Điều 78 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và các quy định khác có liên quan tại Luật Điều ước quốc tế năm 2016. Hồ sơ kèm theo Tờ trình của Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVIPA bảo đảm quy định tại Điều 31 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 về hồ sơ trình phê chuẩn điều ước quốc tế.
Về tính hợp hiến và mức độ phù hợp của Hiệp định EVIPA với các văn bản quy phạm pháp luật trong nước, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số ý kiến nhất trí với nội dung Tờ trình của Chủ tịch nước cho rằng các quy định của Hiệp định EVIPA không có quy định trái với Hiến pháp năm 2013; cơ bản phù hợp với pháp luật Việt Nam và thống nhất qua rà soát hệ thống pháp luật nước ta chưa quy định liên quan đến việc công nhận và cho thi hành phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư thành lập theo Hiệp định EVIPA để giải quyết tranh chấp giữa Nhà đầu tư của một Bên và Bên kia.
Cụ thể, trong thời gian 5 năm kể từ ngày Hiệp định EVIPA có hiệu lực, đối với các vụ kiện mà Việt Nam là bị đơn, Việt Nam có nghĩa vụ công nhận và thực hiện các phán quyết chung thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp theo Công ước New York năm 1958 về "Công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài". Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (từ Điều 423 đến 431 và từ Điều 451 đến 463) quy định thủ tục công nhận, từ chối công nhận, thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài. Tuy nhiên, các Điều 3.38 và 3.39 quy định về hệ thống Cơ quan giải quyết tranh chấp của Hiệp định, thành viên do Ủy ban gồm đại diện của hai Bên chỉ định, bổ nhiệm. Do đó, Cơ quan giải quyết tranh chấp EVIPA là hệ thống giải quyết tranh chấp thành lập theo điều ước quốc tế, độc lập với pháp luật của mọi quốc gia và đối với pháp luật Việt Nam chỉ quy định về trọng tài nước ngoài, chưa có quy định liên quan đến phán quyết của loại cơ chế giải quyết tranh chấp như trên.
Sau 5 năm kể từ ngày Hiệp định EVIPA có hiệu lực, Việt Nam có nghĩa vụ phải công nhận và cho thi hành các nghĩa vụ tài chính theo phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp EVIPA như bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, có ý kiến cho rằng cần tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là một số dự án luật có liên quan dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV để bảo đảm tuân thủ Hiệp định, rà soát và hoàn thiện các văn bản luật và chính sách liên quan đến việc hỗ trợ, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam trước áp lực cạnh tranh của nhà đầu tư nước ngoài.