TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC CƠ CẤU, SẮP XẾP, ĐỔI MỚI, CỔ PHẦN HÓA, THOÁI VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC VÀ DOANH NGHIỆP CÓ VỐN NHÀ NƯỚC
Ngày 05/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-Ttg về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, Thủ tướng đã chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại, hạn chế trong công tác cơ cấu lại, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn tại các danh nghiệp nhà nước, đồng thời đưa ra những phân tích về nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn tới những tồn tại, hạn chế này. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã giao các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, DNNN đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tập trung chỉ đạo và triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
- Khẩn trương hoàn thành hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật phục vụ công tác tái cơ cấu, thoái vốn tại các DNNN;
- Các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN trước ngày 15 tháng 01 năm 2019 hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý;
- Rà soát lại quỹ đất đang được các DNNN quản lý để thực hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp đúng quy định của pháp luật;
- Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm toán, tránh việc thất thoát tài sản, vốn nhà nước trong quá trình thoái vốn, cơ cấu lại tại DNNN;
- Kiên quyết xử lí các DNNN, các dự án đầu tư hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả;
- Công bố công khai thông tin về cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước làm.
Có thể thấy, thông qua việc ban hành Chỉ thị số 01/CT-Ttg, Thủ tướng Chính phủ đang thể hiện rõ quyết tâm trong việc tiếp tục cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước qua đó góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019.
QUY ĐỊNH MỚI VỀ CHÍNH SÁCH “BHYT 05 NĂM LIÊN TỤC”
Ngày 17/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHYT, đã có hiệu lực từ ngày 01/12/2018. Theo Điều 27 quy định thì:
- Nếu người bệnh có số tiền cùng chi trả tại một lần hoặc nhiều lần KCB tại cùng cơ sở KCB lớn hơn 06 tháng lương cơ sở (LCS) thì:
+ Cơ sở KCB không thu số tiền cùng chi trả lớn hơn 06 tháng LCS đó.
+ Phải cung cấp hóa đơn thu đối với số tiền cùng chi trả đủ 06 tháng LCS để người bệnh đề nghị BHXH xác nhận không phải cùng chi trả trong năm đó.
- Nếu người bệnh có số tiền cùng chi trả lũy kế trong năm tài chính tại các cơ sở KCB khác nhau hoặc tại cùng một cơ sở lớn hơn 06 tháng LCS thì:
Người bệnh mang chứng từ đến cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT để thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 06 tháng LCS và nhận giấy xác nhận không phải cùng chi trả trong năm đó.
- Nếu người bệnh có số tiền cùng chi trả vượt quá 06 tháng LCS được tính từ ngày 01/01, quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB trong phạm vi quyền lợi từ thời điểm người bệnh tham gia đủ 05 năm liên tục đến hết ngày 31/12 của năm đó.
Ngoài ra, Nghị định 146 cũng bổ sung, sửa đổi một số trường hợp được xác định là tham gia BHYT liên tục như:
- Người được cử đi công tác, học tập, làm việc hoặc theo chế độ phu nhân, phu quân hoặc con đẻ, con nuôi hợp pháp dưới 18 tuổi đi theo bố hoặc mẹ công tác nhiệm kỳ tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.
- Khoảng thời gian đã tham gia BHYT trước khi đi lao động ở nước ngoài được tính nếu tham gia BHYT khi về nước trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
THỜI HẠN THANH TOÁN QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG KHI CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Ngày 24/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 148/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động, đã có hiệu lực ngày 15/12/2018, theo đó thời hạn thanh toán quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Trường hợp đặc biệt, thời hạn thanh toán có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
+ Người sử dụng lao động hoặc người lao động gặp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm;
+ Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế theo Điều 44 của Bộ luật lao động hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản theo Điều 45 của Bộ luật lao động.”