Ngày 11 tháng 8 năm 2022 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 50/2022/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 119/2015/NĐ-CP quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng và Nghị định 20/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 119/2015/NĐ-CP. Theo đó, Thông tư này quy định cụ thể về nguyên tắc bồi thường bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động (NLĐ) thi công trên công trường (Điều 26) và hướng dẫn hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc cho NLĐ.
=> Xem thêm: Các chính sách thuế - phí - lệ phí có hiệu lực từ tháng 8/2022
Thứ nhất, theo Điều 26 Thông tư số 50/2022/TT-BTC, “khi NLĐ bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh do thực hiện công việc thi công trên công trường thuộc trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có trách nhiệm chi trả những khoản tiền theo thỏa thuận giữa nhà thầu thi công và NLĐ hoặc đại diện hợp pháp của NLĐ (trong trường hợp NLĐ đã chết), bao gồm các khoản chi trả sau:”
(1) Phụ cấp nghỉ việc trong thời gian điều trị theo chỉ định của bác sĩ điều trị được tính căn cứ vào mức tiền lương theo hợp đồng lao động nhưng không vượt quá 06 tháng lương trong mỗi sự kiện bảo hiểm.
(2) Chi phí y tế thực tế bao gồm: chi phí cấp cứu, chi phí điều trị nội, ngoại trú cần thiết và hợp lý nhưng không vượt quá 100 triệu đồng/người/vụ.
(3) Nếu NLĐ bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%, mức bồi thường cụ thể cho từng loại thương tật, thiệt hại về người được xác định theo Bảng tỷ lệ trả tiền bồi thường bảo hiểm bắt buộc đối với NLĐ thi công trên công trường theo Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.
(4) Nếu NLĐ bị chết hoặc suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả 100 triệu đồng/người/vụ.
Bên cạnh đó, tổng số tiền bồi thường bảo hiểm không vượt quá tổng số tiền bảo hiểm quy định trong hợp đồng bảo hiểm.
Ảnh 1. Hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường _ Hotline: + 097 211 8764
Thứ hai, Điều 27 Thông tư 50/2022/TT-BTC quy định “doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, các cơ quan, tổ chức có liên quan thu thập các tài liệu có liên quan để lập hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc đối với NLĐ thi công trên công trường”. Hồ sơ cơ bản bao gồm các tài liệu sau đây:
(1) Văn bản yêu cầu bồi thường của bên mua bảo hiểm;
(2) Tài liệu liên quan đến đối tượng bảo hiểm, bao gồm:
- Hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm, hợp đồng lao động ký giữa người được bảo hiểm và NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Các văn bản yêu cầu bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của NLĐ (nếu có).
(3) Tài liệu chứng minh NLĐ bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bao gồm:
- Biên bản điều tra tai nạn lao động do cơ quan có thẩm quyền lập theo quy định của pháp luật (nếu có). Nếu NLĐ bị tai nạn giao thông và được xác định là tai nạn lao động thì phải có biên bản tai nạn giao thông hoặc biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông do các cơ quan có thẩm quyền lập theo quy định của pháp luật;
- Tùy theo mức độ thiệt hại về người có thể bao gồm một hoặc một số tài liệu sau: Giấy chứng nhận thương tích; Giấy ra viện; Giấy chứng nhận phẫu thuật; Hồ sơ bệnh án; Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử hoặc văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y;
- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa nếu NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên (nếu có);
- Hóa đơn, chứng từ hợp lệ của các cơ sở y tế chứng minh việc điều trị thương tật do tai nạn lao động của NLĐ.
(4) Tài liệu chứng minh NLĐ bị thương tật, chết do bệnh nghề nghiệp, bao gồm:
- Biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại trong thời hạn quy định do cơ quan có thẩm quyền lập, trường hợp biên bản xác định cho nhiều người thì hồ sơ của mỗi NLĐ phải có bản trích sao;
- Giấy ra viện (trường hợp không điều trị tại bệnh viện thì phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp) hoặc phiếu hội chuẩn mắc bệnh nghề nghiệp; Hồ sơ bệnh án; Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử (trong trường hợp người lao động chết);
- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa nếu NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên (nếu có);
- Hóa đơn, chứng từ hợp lệ của các cơ sở y tế chứng minh việc điều trị thương tật do bệnh nghề nghiệp của NLĐ.
(5) Tài liệu chứng minh các khoản tiền mà nhà thầu thi công xây dựng đã thực hiện bồi thường cho NLĐ bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gây ra thuộc trách nhiệm bảo hiểm (nếu có).
(6) Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
=> Xem thêm: Mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng là bao nhiêu?
Ngoài ra, bảo hiểm bắt buộc đối với NLĐ thi công trên công trường có thời hạn bắt đầu kể từ ngày thực hiện công việc thi công trên công trường đến hết thời gian bảo hành công trình theo quy định pháp luật (Điều 23 Thông tư 50/2022/TT-BTC).
Việc xác định thời hạn bảo hiểm cụ thể đối với NLĐ thi công trên công trường căn cứ vào hợp đồng lao động và văn bản xác nhận của nhà thầu thi công xây dựng về thời gian NLĐ làm việc thực tế trên công trường.
Thông tư 50/2022/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2022.
Ảnh 2. Tư vấn pháp luật (Ảnh minh họa). Hotline: 097 211 8764
Phòng Tổng hợp Kinh tế Xã hội – Công ty Luật TNHH TLK
Kính thưa Quý bạn đọc, Công ty Luật TNHH TLK ngoài việc cung cấp tới Quý bạn đọc những thông tin tri thức hữu ích về đời sống kinh tế, văn hóa xã hội, Chúng tôi còn là tổ chức cung cấp các dịch vụ Pháp lý; Kế toán - thuế và Xúc tiến thương mại chuyên nghiệp với nhiều năm kinh nghiệm.
Với mong muốn thực hiện trách nhiệm xã hội, theo đó trường hợp Quý bạn đọc cần tư vấn các vấn đề liên quan tới Pháp luật xin vui lòng liên hệ với Chúng tôi theo theo số Hotline: 097 211 8764 để được Luật sư tư vấn trực tiếp (tư vấn hoàn toàn miễn phí).